Hội Thánh Việt Nam Đài Loan

Bài giảng lễ Phục sinh 2013

Sự khôn ngoan

 

Trong thời đại của chúng ta hiện nay, có rất nhiều đồ dùng vật dụng thông minh, điện thoại di động là một ví dụ, người ta đặt cho các loại điện thoại sau này cái tên là điện thoại thông minh hay là điện thoại khôn ngoan. Chỉ cần một cái điện thoại nho nhỏ cầm trong tay người ta có thể làm tất cả mọi thứ; lên mạng tra cứu thông tin, gọi điện thoại, hay là ghi chép sổ sách vâng vâng. Có một lần tôi đi máy bay, người ngồi bên cạnh tôi cứ liên tục cầm điện thoại nói, tôi thấy lạ tự hỏi tại sao người này đang ở trên máy bay lại nói chuyện điện thoại, một hồi mới hiểu ra là ông ta không phải nói chuyện điện thoại mà là ông ta soạn bài báo cáo. Ông nói vào điện thoại và điện thoại giúp cho ông ta đánh máy ra thành văn bản. Rất là tiện lợi.

Con người chúng ta càng ngày càng thông minh và kiến thức càng ngày càng cao. Bởi vì có máy tính và hệ thống internet nên con người càng ngày càng khôn ngoan hiểu biết. Ngay cả các em nhỏ ngày nay cũng rành máy tính và đôi khi còn hiểu biết hơn cả người lớn. Đúng thật là máy tính đã giúp đỡ cho chúng ta rất nhiều.  Mạng internet đã cung cấp vô số kiến thức, muốn tra gì cũng có, tuy nhiên mạng internet cũng có hai mặt tốt và xấu. Chúng ta rất khó lường được mặt tốt và mặt xấu của Internet.

Vấn đề là con người càng ngày càng khôn ngoan, kiến thức càng ngày càng cao, nhưng tại sao xã hội càng ngày càng tha hoá, đạo đức càng ngày càng xuống dốc suy đồi. Hiện tượng này thật đáng lo ngại. Khi đọc sách Gia-cơ đoạn 3 câu 13 đến câu 18, chúng ta thấy thánh đồ Gia-cơ đã phân biệt rõ hai loại khôn ngoan, thứ nhất là sự khôn ngoan từ trên ban cho, và thứ hai là sự khôn ngoan thuộc về đất. Hai loại khôn ngoan này đối nghịch nhau và nó cũng đem lại kết quả hoàn toàn khác nhau.

Người có sự khôn ngoan thông sáng thì sẽ dùng hành động để thể hiện công việc tốt đẹp của mình

Sách Gia-cơ đoạn 3 câu 13 nói rằng: “Trong anh em có người nào khôn ngoan thông sáng chăng? Hãy lấy cách ăn ở tốt của mình mà bày tỏ việc mình làm bởi khôn ngoan nhu mì mà ra.” Trong câu kinh thánh này nói là nếu trong chúng ta có ai khôn ngoan thông sáng thì hãy lấy cách ăn ở tốt của mình, và bằng sự nhu mì của mình mà bày tỏ sự khôn ngoan ra. Nói cách khác là người đó phải hành động, chỉ biết thôi, chỉ có kiến thức như thế nào là khôn ngoan thì chưa đủ.  Trong câu Kinh Thánh này nói là chúng ta cần phải bày tỏ việc tốt, cách ăn ở tốt của mình ra, đó là chúng ta cần hành động cụ thể. Trên thực tế có rất nhiều người hiểu biết rất nhiều điều tốt nhất, nhưng họ không dùng hành động của mình để thực hiện các việc đó, cho nên đời sống của những người ấy không sinh ra được kết qủa tốt.

Trước đây có một tín hữu người Việt Nam ở Mỹ, anh ta rất yêu mến Chúa, và rất muốn đi ra tham gia công việc hầu việc Chúa. Nhưng mặt dầu anh ta lớn lên trong gia đình tin Chúa, người anh em này chưa có nhiều dịp tham gia đi ra truyền giáo bao giờ. Cách đây không lâu, anh này quyết định tham gia đoàn truyền giáo đi về Việt Nam trong đó có tôi, ở Việt Nam anh giúp đỡ cho mọi người đặt khách sạn và hằng ngày,  khi mọi người nhóm họp thì anh giúp chuẩn bị liên lạc với người của khách sạn để các bữa ăn cho mọi người. Người anh em này ở Mỹ thì làm công việc kinh doanh, vậy nên khi về Việt Nam làm các công việc giao dịch thì rất tốt. Trong chuyến đi đó anh đã giúp đỡ cho đoàn chúng tôi rất nhiều, các buổi nhóm họp có kết quả rất tốt. Ở Việt Nam chuẩn bị cho các công việc này không phải là đơn giản, nên mỗi lần chúng tôi đi về Việt Nam, thì rất cần một người có khả năng để sắp xếp những công việc này.

Người anh em này đi xong một chuyến về Việt Nam, đi về lại Mỹ thì gọi điện thoại cho tôi, anh nói là anh rất vui, lần này anh đi Việt Nam trong lòng gặt hái được rất nhiều, đặc biệt là bây giờ anh đã hiểu rõ được hoàn cảnh và nhu cầu của các Hội Thánh tại Việt Nam, nên anh muốn bắt đầu một mục vụ hầu việc Chúa giúp đỡ cho các con em có nhu cầu tại các hội thánh Việt Nam, đó là cung cấp cho các em học phí để các em học thêm tiếng Anh, để cho sau này trong số các em nhỏ đó lớn lên, có một số em được Chúa kêu gọi đi học thần học ở các học viện quốc tế, sau này sẽ tham gia hầu việc Chúa, ích lợi cho sự mở mang nước Chúa tại Việt Nam.

Chúa Giê-su khi đang làm chức vụ trên đất, Chúa đã làm rất nhiều việc, hầu như Ngài rất ít khi ở không. Chúng ta đọc các sách Phúc Âm thì chúng ta có thể thấy Chúa không ngừng làm các công việc của Cha thiên thượng của Ngài.

Vậy nên, theo như sách Gia-cơ đoạn 3 câu 13, nếu như trong chúng ta ai có sự khôn ngoan, thì chúng ta sẽ làm các công việc tốt lành. Đúng như vậy, thực tế bằng hành động cụ thể làm việc tốt so với chỉ biết như thế nào là việc tốt thi hoàn toàn khác nhau.

Người khôn ngoan thì trước hết phải là người nhu mì.

Câu 13 nói rằng: hãy lấy sự khôn ngoan nhu mì của mình mà bày tỏ cách ăn ở và các việc tốt của mình ra. Ở đây nói đến chữ nhu mì, chữ nhu mì này theo tiếng gốc Hy lạp có ý nghĩa liên quan đến kiềm chế và điều kiển cái lưỡi. Vì vậy trong câu này nói là: “lấy sự khôn ngoan nhu mì mà bày tỏ” thì có nghĩa là một người điều kiển và kiềm chế cái lưỡi của mình, dùng những lời nói và thái độ nhu mì của mình, dùng những hành động của mình để làm các việc tốt. Chữ nhu mì trong câu này không có nghĩa là nhu nhược yếu đuối, và rõ ràng là không có nghĩa kiêu ngạo khoe khoang.

Trong sách Kinh Thánh có nhân vật Giăng Báp-tít, Đức Chúa Trời cho ông sự khôn ngoan, ông nhìn thấy được ơn cứu chuộc lớn lao đã đến trên trái đất, ông ở ngoài đồng vắng rao truyền tin này cho mọi người; Giăng Bap-tít không phải là người yếu đuối nhu nhược, ông đã có dũng khí để bằng hành động của mình bày tỏ cho mọi người biết sự khôn ngoan hiểu biết của mình. Giăng Báp-tít không kiêu ngạo khoe khoang. Người ta vặn hỏi ông: “ Ông là ai, ông là E-li hả?”; “ông là tiên tri sao?”; “ Hay ông là Đấng Christ?” Giăng đều trả lời không phải, ông nói rằng ông là tiếng kêu trong đồng vắng, hãy dọn dẹp đường bằng thẳng cho Chúa. Giăng ở trong đồng vắng, nơi không có người ở, truyền giảng sứ điệp phúc âm, kết quả là đoàn dân đông uà ra nơi đồng vắng, lắng nghe lời giảng của ông, họ nghe xong thì nhận tội hối cải, nhận phép báp-tem ăn năn tội của ông. Người có sự khôn ngoan thật của Chúa ban cho thì không cần phải quảng cáo, khoe mình. Dân chúng sẽ tự nhận ra.

Giăng Báp-tít có sự khôn ngoan thông sáng, ông biết những điều mà đoàn dân đông không biết; ông dùng hành động của mình bày tỏ sự hiểu biết đó, trong sách Giăng 3:27 Giăng Báp-tít nói rằng: nếu chẳng từ trời ban cho thì không một người nào có thể lãnh chi được. Giăng biết rất rõ rằng sự khôn ngoan chân thật là do Chúa ban cho, nếu như mà chúng ta đi tìm sự khôn ngoan đó ở trên đất thì không có. Giăng nói rằng: 我必衰微,nhưng Chúa Giê-su trong sách Mathiơ chương 11 câu 11 nói về ông như sau: “Ta nói với các ngươi, trong những người bởi đàn bà sanh ra, không có ai được tôn trọng hơn Giăng Báp-tít.”

Giăng Báp-tít cho chúng ta một tấm gương tốt, ông đã dùng hành động của mình để bày tỏ những việc tốt. Chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời, sách Kinh Thánh đã dạy cho chúng ta rất nhiều việc tốt, chúng ta cần phải hành động làm những việc lời Chúa dạy chúng ta. Đối với cá nhân tôi, rao truyền phúc âm làm chứng cho người khác tin Chúa là việc tốt nhất, đây cũng là đại mạng lệnh Chúa giao phó cho chúng ta.

Sự khôn ngoan thuộc về đất

Sách Gia-cơ chương 3 câu bốn nói về một loại khôn ngoan khác, đó là sự khôn ngoan thuộc về đất, ở đây Gia-cơ nói vềloại khôn ngoan thuộc về xác thịt, thuộc về ma quỷ. Đó là sự ghen tuông cay đắng, sự canh trạnh, sự khoe khoang bản thân, và nói dối nghịch với chân lý. Kinh thánh nói rằng ở đâu có những loại khôn ngoan này thì ở đó có sự lộn lạo và đủ mọi thứ ác. Chúng ta có thể nhận thấy rằng trên thế gian có rất nhiều người dựa vào loại khôn ngoan này, chính vì vậy thế giới chúng ta càng ngày càng đầy dẫy mọi thứ ác và trở nên hỗn loạn. Sự khôn ngoan từ Chúa ban cho thì hoàn toàn khác.

 Sự khôn ngoan từ trên ban cho:

Vậy thì sự khôn ngoan từ trên ban cho là như thế nào? Sách Gia-cơ liệt kê cho chúng ta những đặc điểm của sự khôn ngoan này. Câu 17 chương 3 chép như sau:

1/ Trước hết là thánh sạch

Thánh sạch là một phẩm chất thuộc về nội tâm, đó là tấm lòng thánh khiết, ngay thẳng , trung trực. Người này không có những động lực âm mưu kín dấu trong lòng, không tham lam, không vì mục đích ích kỷ của bản thân, không làm tổn thương người khác. Câu kinh thánh này nói rằng nếu như chúng ta muốn nhận được sự khôn ngoan từ trên ban cho thì chúng ta cần trước hết cần phải có tấm lòng thanh sạch. Phẩm chất nội tâm này là căn bản nhất, trước tiên cần phải có lòng thanh sạch, rồi sau đó thì các phẩm chất khác sẽ sản sinh trong chúng ta. Đó là những phẩm chất như hoà thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, không có sự hai lòng và công bình.

2/ Hoà thuận

Hoà thuận với mọi người, người có lòng hoà thuận luôn luôn tìm cơ hội xây dựng những cầu nối làm cho mọi người hòa thuận. Người hòa thuận thì không dễ bị tức giận, không gây nên chuyện làm cho người khác  tranh cãi, tạo nên sự hỗn loạn. Sách phúc âm Mathiơ chương 5 câu 9 nói rằng: người làm cho người khác hoà thuận thì được gọi là con của Đức Chúa Trời; Chúng ta là Cơ Đốc Nhân, là con cái của Đức Chúa Trời nên chúng ta cần phải có phẩm chất này.

3/ Nhu mì (considerate)

Từ nhu mì này trong bản tiếng Anh còn có ý nghĩa là ân cần và quan tâm (considerate), người này biết khi nào thì ân cần với người khác, từ này còn bao hàm ý nghĩa của sự nhường nhịn, dễ dàng hoà đồng với những người khác. Câu chuyện về việc Chúa đối xử với người đàn bà tà dâm là một ví dụ về sự ân cần và nhu mì, mọi người bắt được quả tang người đàn bà này đang phạm tội tà dâm, và họ đem đến thử Chúa và nói rằng trường hợp này thì phải làm sao? Vì theo luật Môi-se quy định thì phải ném đá cho người này đến chết. Nếu Chúa phán là hãy ném đá thì họ sẽ tố cáo lên chính quyền La Mã là Chúa đã lạm quyền, còn như Chúa nói không thì họ nói là Chúa chống lại luật lệ của Đức Chúa Trời. Họ không ngờ Chúa nói với họ rằng nếu ai trong số họ nghĩ mình vô tội thì hãy ném đá người này, khi bọn họ bỏ đi hết rồi thì Chúa ân cần nói với người đàn bà rằng ta cũng không định tội ngươi, hãy đi và đừng phạm tội nữa.

4/ Tiết độ

Từ tiết độ này trong bản tiếng Anh còn có ý nghĩa thuận phục (submissive), từ này còn bao hàm ý nghĩa của sự nhường nhịn, dễ dàng hoà đồng với những người khác, luôn dành thì giờ để lắng nghe người khác. Người này không tự cho mình là người luôn luôn đúng. Người này luôn cho người khác một cơ hội thứ hai.

Trong hội thánh chúng ta có nhiều người nhờ loại khôn ngoan này mà đem đến kết quả tốt đẹp cho gia đình mình, trước đây vài năm hội thánh chúng ta có một chị em, quý vị có thể đọc câu chuyện của người chị em này trong tập san niềm tin số 1. Người chị em này qua đây làm việc với hy vọng là sẽ dành dụm tiền để về xây nhà và có vốn làm ăn. Nhưng không ngờ sau một thời gian mấy năm làm việc gởi tiền về cho chồng dành dụm thì phát hiện ra là tiền ở Việt Nam đã bị chồng tiêu sạch hết, thêm vào đó chồng lại đòi ly dị để lấy vợ mới. Các con của cô bỏ bê học hành, ham chơi. Cô buồn bực, cay đắng, và thất vọng, thậm chí còn có ý định tự tử. Nhưng rồi cô đã gặp được Chúa, cô tin Chúa và nhận được sự cứu rỗi, đời sống của cô biến đổi và thái độ của cô với người chồng cũng thay đổi, chúa ban cho cô sự khôn ngoan, cô lắng nghe và còn làm chứng cho người chồng về ơn cứu chuộc của Chúa Giê-su. Năm đó tôi có dịp đi Hà Nội, người chồng ra Hà Nội tìm gặp tôi, và anh đã cầu nguyện tiếp nhận Chúa, rồi đến lượt các con của họ cũng tin Chúa. Sau này người vợ đã về Việt Nam, và họ đã mở một điểm nhóm họp trong nhà của mình, đến nay thì nhóm này đã tăng trưởng khoảng 30 người, và hai vợ chồng đang cùng nhau hầu việc Chúa, hầu như Chúa đã chữa lành hết những vết thương trong mối quan hệ giữa hai người. Thật tuyệt vời phải không quý vị, chỉ có Chúa mới làm được những điều này, và sự khôn ngoan mà chúng ta nhận được từ Chúa sẽ có thể đem đến những kết quả mỹ mãn.

5/ Đầy lòng thương xót và nhiều bông trái lành

Người có lòng thương xót thì bao dung, rộng lượng; người này dùng lòng nhân từ yêu thương để đối đãi với người khác. Nếu thấy người khác rơi vào hoàn cảnh khó khăn thì người này sẽ có lòng trắc ẩn, quan tâm, và nếu có điều kiện thì sẽ không ngần ngại làm điều gì đó để giúp đỡ. Bông trái ở đây gợi cho chúng ta về những bông trái của Đức Thánh Linh trong sách Ga-la-ti đoạn 5 câu 22: yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ. Ở đây sách Gia-cơ nói rằng người có sự khôn ngoan thật thì lòng họ sẽ đầy sự thương xót, và đời sống sẽ sanh nhiều bông trái tốt. Sự khôn ngoan thuộc về đất thì ngược lại hoàn toàn, Gia-cơ 3:8 nói rằng sự khôn ngoan thuộc về đất đó là canh trạnh, khoe khoang, và nói dối; là những người không thể kiềm chế kiểm soát lưỡi của mình, kết quả là sản sinh ra những chất độc giết người.

Có một hôm Chúa Giê-su cùng các môn đồ đi ra ngoài đồng vắng, đoàn dân đông chạy theo bắt kịp được Chúa, Chúa nhìn thấy đoàn dân đông thì động lòng thương xót, vì họ lạc lõng như chiên không có bầy chăn. Chúa bèn giảng dạy nhiều lẽ đạo cho họ, rồi đến chiều thì Chúa làm phép lạ cho 5000 người đàn ông cùng với người nhà của họ ăn no nê. Chúa Giê-su có lòng thương xót, không những thế Chúa còn dạy dỗ họ các lẽ đạo và cho họ thức ăn, trong ngày hôm đó đoàn dân đông ai nấy thân thể tâm linh điều no nê. Điều này cho chúng ta những người tin Chúa một thách thức, chúng ta không những đối với những người xung quanh có lòng thương xót, mà còn phải làm sao dùng hành động và việc làm của mình để làm cho thân thể tâm linh của họ được no đủ mãn đầy.

6/ Không có sự hai lòng

Chữ không hai lòng ở đây trong tiếng Anh là không thiên vị. Trong Gia-cơ đoạn 2 có một câu chuyện lý thú minh hoạ về sự thiên vị. Có hai người đi vào nhà hội, một người thì tay đeo nhẫn vàng, và mặc áo đẹp sang trọng, và người kia thì là một người nghèo, mặc áo rách rưới. Người trong nhà hội bèn mời người mặc áo đẹp đến ngồi ở chổ tốt, còn đối với người nghèo mặc áo rách thì kêu ngồi ở dưới bệ chân của họ. Câu chuyện này giải thích về sự hai mặt, hay là sự thiên vị cho chúng ta một cách rõ ràng. Có nhiều khi chúng ta chỉ cần nhìn vẻ bên ngoài của một người thì đã vội định kiến, câu 1 của đoạn kinh thánh này nói rằng bởi vì chúng ta tin Chúa Giê-su, chúng ta không được tây vị ai, có nghĩa là chúng ta không được nhìn xem vẻ bề ngoài để đối đãi với người khác. Điều này mới nghe qua thì hình như là dễ thực hiện, nhưng trên thực tế thì không phải dễ. Chúng ta hãy thử nghĩ xem, trong chúng ta trước đây có khi nào mình bị rơi vào trường hợp này, nhìn theo vẻ bề ngoài mà đối đãi với người khác.

7/ Không giả hình

Có nhiều khi con người thật bên trong và biểu hiện bên ngoài không giống nhau; bên ngoài thì biểu hiển thích nhưng thật ra bên trong thì không thích; bên ngoài biểu hiện lương thiện nhưng bên trong thì không lương thiện. Giả hình có nghĩa là bên ngoài cố tình làm một người không phải là con người thật của mình. Nếu đọc sách phúc âm về cuộc đời của Chúa Giê-su thì chúng ta thấy giả hình là điều Chúa không thích nhất. Chúa thường hay nói người Pha-ri-si  và các thầy thông giáo là giả hình.

Thông qua sách Gia-cơ, chúng ta hôm nay đã học được những đặc tính về sự khôn ngoan của Chúa ban cho, đó là sự khôn ngoan từ trên ban cho. Sách Gia-cơ cũng khuyên nhủ chúng ta là những người tin theo Chúa Giê-su, chúng ta cần phải nhận lãnh sự khôn ngoan này và thể hiện bằng chính hành động và việc làm của mình. Điều này không những  lợi ích cho mỗi người chúng ta. Điều quan trọng hơn đó là đem lại lợi ích cho những người khác. Thông qua những công việc tốt của chúng ta, những người khác có thể nhận được sự trợ giúp, họ cũng có thể qua đời sống làm chứng của chúng ta có được cơ hội biết được về phúc âm và nhận lãnh ơn cứu chuộc. Trong sách Mathiơ đoạn 5 câu 16 Chúa Giê-su phán rằng: “sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen cha các ngươi ở trên trời.”

Mục sư  Dinh  Khoa